Triển khai mô hình Dân vận khéo gắn với nhiệm vụ chuyển đổi số, Sở GDĐT đã chú trọng tuyên truyền phong trào thi đua thực hiện chương trình chuyển đổi số trong toàn ngành. Quán triệt, nâng cao nhận thức cho từng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành về tầm quan trọng của chuyển đổi số và xây dựng văn hóa số trong giáo dục. Trong đó, trọng tâm là các chính sách, chỉ đạo của chính phủ và thành phố[1] về nhiệm vụ chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong thời đại mới. Không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Sở GDĐT còn triển khai hiệu quả công tác bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên để hướng đến mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi số trong giáo dục. Phát triển mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất qua việc phát triển các cổng thông tin điện tử toàn ngành, các trang fanpage, cộng đồng giáo viên sáng tạo Hải Phòng; cộng đồng học sinh, sinh viên sáng tạo Hải Phòng với sự tham gia của hàng chục ngàn giáo viên và học sinh Hải Phòng. Qua nền tảng mạng xã hội, Sở GDĐT đã định hướng dư luận tạo sự đồng thuận về xã hội trong các chính sách, giải pháp về phát triển giáo dục.
Trên cơ sở làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền, mô hình Dân vận khéo chuyển đổi số trong ngành giáo dục đã có sức lan tỏa lớn, thu hút sự chung tay góp sức nỗ lực của toàn ngành, mang lại hiệu quả thiết thực trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của thành phố.
Trước hết, trong công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý giáo dục, chuyển đổi số đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của giáo dục thành phố. Sở GDĐT triển khai các hoạt động chỉ đạo, điều hành, giao dịch, họp, tập huấn được thực hiện chủ yếu trên môi trường mạng đối với 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Chỉ đạo quyết liệt việc sử dụng hệ thống HPNET-eOffice theo sự triển khai đồng bộ của thành phố. 100% văn bản đi, đến đều được số hóa và xử lý trên phần mềm trực tuyến (trừ văn bản mật). Sở GDĐT đã ban hành Quyết định số 1062/QĐ-SGDĐT ngày 19/6/2023 Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo thành phố. Tính đến Quý I năm 2024, hệ thống đã hoàn thành cập nhật đầy đủ dữ liệu cá nhân học sinh theo các yêu cầu quản lý của ngành đối với 532.630 học sinh và 32.995 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục, đồng thời hoàn xác thực dữ liệu trên hệ thống với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với tỉ lệ 99,72% đối với học sinh và 99,65% đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên . Triển khai Hệ thống tuyển sinh đầu cấp đối với 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Đến nay, 88% phụ huynh học sinh, học sinh thực hiện đăng ký trực tuyến trong tuyển sinh đầu cấp. Toàn ngành giáo dục sử dụng văn bản điện tử, sổ sách học bạ sổ điểm điện tử thay thế văn bản, tài liệu giấy. Triển khai Đề án ký số, qua đó cấp chữ ký số với 100% CBQL, GV các cơ sở giáo dục. Từ năm học 2023 - 2024, các cơ sở giáo dục đã triển khai ký số trên 100% hồ sơ chuyên môn, học bạ số. Tính đến tháng 4/2024, trên 99% các cơ sở giáo dục triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt với các mức độ khác nhau theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân dân thành phố về việc đẩy mạnh thực hiện thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố. Sở GDĐT đã phối hợp với tập đoàn FPT triển khai thí điểm Mô hình 21 (trong Kế hoạch thực hiện Đề án 06). Đó là mô hình thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử thành công tại một số cơ sở giáo dục qua đó mở ra hướng mới trong công tác thi, kiểm tra và đánh giá.
Chuyên đề chuyên môn ứng dụng AI trong dạy học tại trường THCS Trần Phú
Về chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng luôn chú trọng ứng dụng công nghệ trong thực hiện các nhiệm vụ dạy và học, ghi nhận hiệu quả tích cực. Phương pháp giảng dạy đã chuyển biến mạnh mẽ từ lối truyền thụ truyền thống sang dạy học tích cực, giúp người dạy và người học phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả. Tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến dùng chung. Đã xây dựng thành công kho học liệu dùng chung của giáo dục mầm non, giáo dục trung học toàn thành phố, cung cấp đường link truy cập cho các đơn vi; đang triển khai hiệu quả việc xây dựng kho dữ liệu kế hoạch bài dạy dùng chung đáp ứng yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thúc đẩy phát triển học liệu số ở tất cả các cấp học, môn học gắn với việc chia sẻ học liệu giữa các nhà trường từ đó hình thành kho học liệu số toàn ngành giáo dục Hải Phòng với trên 3000 bài giảng chất lượng; Tăng cường khai thác hệ tri thức Việt số hóa - kho học liệu số (Igiaoduc) giúp giáo viên tiếp cận hàng ngàn bài giảng và giáo trình điện tử đã được thẩm định nội dung. Triển khai hàng loạt giải pháp dạy học trực tuyến với trên 95% học sinh trung học tham gia. Các chương trình bồi dưỡng, tập huấn giáo viên cũng được triển khai trực tuyến qua việc thiết lập các điểm cầu từ đại học giáo dục - Đại học quốc gia Hà Nội đến từng cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố với số lượng giáo viên tham gia từ 10.000 đến 15.000 học viên mỗi chương trình.
Biểu dương khen thưởng học sinh đạt thành tích cao tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế
Chuyển đổi số trong dạy và học đã góp phần làm nên thành tích rực rỡ của giáo dục Hải Phòng. Năm học 2023-2024, Hải Phòng tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục ở cả giáo dục đại trà và mũi nhọn; khẳng định vị thế trong nhóm dẫn đầu cả nước. Kết quả điểm trung bình các bài thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 xếp hạng 6/63 tỉnh thành trên toàn quốc. Học sinh Hải Phòng tham dự thi Olympic quốc tế đạt kết quả cao: 01 Huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế (IBO); 01 Huy chương Bạc Kỳ thi Olympic Vật lí Quốc tế (IPhO); 01 Huy chương Đồng Kỳ thi Olympic Toán Quốc tế (IMO); 01 Huy chương Đồng Olympic Vật lí Châu Á (APhO); 01 Huy chương Bạc Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương (AOPIO). Tại Hội khoẻ Phù đổng toàn quốc lần thứ X, Đoàn Hải Phòng đứng thứ 3 toàn đoàn về điểm số và sở hữu 42 Huy chương Vàng, 70 Huy chương Bạc, 113 Huy chương Đồng.
Thực tế cho thấy, ngành giáo dục Hải Phòng đang "hòa mình" vào công cuộc chuyển đổi số của thành phố và quốc gia. Đây là cũng xu thế không thể đảo ngược khi giáo dục ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng. Điều đó càng khẳng định ý nghĩa của mô hình dân vận khéo chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và dạy học do Sở GDĐT triển khai thời gian qua và sẽ được nhân rộng, lan tỏa hơn nữa trong thời gian tới.
[1] Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 15/7/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Phát động phong trào thi đua thực hiện chương trình chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;